Nơi chắp cánh những ngôi sao làng múa
Trung Quốc là đất nước có nền nghệ thuật múa phát triển mạnh mẽ, với kho tàng vũ đạo được coi là hoàn chỉnh và đồ sộ bậc nhất trên thế giới. Cũng bởi vậy, nhiều năm nay, các nghệ sĩ múa từ khắp nơi trên thế giới chọn tới đất nước này tu nghiệp, trong đó có không ít tài năng đến từ Việt Nam.
NSƯT Đặng Linh Nga là một trong những đại diện tiêu biểu trong số này. Từ năm 12 tuổi, cô đã xa gia đình để tới đất nước tỷ dân học múa. Năm 2003, cô đoạt giải "Diễn viên ưu tú" trong cuộc thi múa toàn Trung Quốc "Đào Lý Bôi". Năm 2004, cô tốt nghiệp trung cấp múa, trường múa Quảng Đông. 10 năm đắm mình trong múa nơi đất khách quê người, Linh Nga chọn về nước để cống hiến chứ không phải những lời mời đến từ Tokyo, Hong Kong hay Thượng Hải. Nói về những năm tháng này, Linh Nga từng thổ lộ, mỗi ngày của cô chỉ quanh quẩn ba việc tập múa, nghe nhạc và ngủ. "Đó là những năm tháng rèn cho Nga tính nhẫn nại, chịu đựng, thổi bùng khao khát chinh phục múa. Chỉ cần được 5 phút tuyệt đẹp trên sân khấu, Nga sẵn sàng đánh đổi 15 năm tập luyện. Đó chính là sự chuyên nghiệp và bài bản", Linh Nga bộc bạch.
Những tháng ngày tập luyện vất vả đã giúp Linh Nga thăng hoa bằng những live show đỉnh cao như Vũ hay Sen. Cùng những cống hiến cho làng múa nước nhà, năm 2016, cô vinh dự được trao tặng danh hiệu NSƯT ở tuổi 25.
Minh Anh - nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen cũng rời xa gia đình từ năm 11 tuổi để đến học tập tại Học Viện Nghệ Thuật Quảng Tây (Trung Quốc) trong sự kỳ vọng trở thành thế hệ vàng tiếp nối của làng múa dân tộc. Năm 2009, cô được trao giải Nhì múa đơn trong cuộc thi Ngôi sao Nghệ thuật Quảng Tây. Năm 2013, cô về nước khi tốt nghiệp, chứng minh khả năng với việc giành hàng loạt giải thưởng tại các hội diễn trong nước và quốc tế. Để tiếp tục trau dồi khả năng trong nghề, nữ nghệ sĩ tiếp tục theo học ngành Biên đạo múa tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây sau đó.
Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi - con gái cưng của NSND Tạ Bôn và Nhà giáo nhân dân Kim Dung cũng có 9 năm tu nghiệp tại Trung Quốc, thậm chí vượt qua 400 học sinh của trường múa Quảng Đông để đại diện ứng thi cúp Đào Lý và được trao tặng giải Diễn viên ưu tú. Sau khi tốt nghiệp tại trường múa Quảng Đông (Trung Quốc), thay vì chọn đi sâu vào nghệ thuật múa Trung Quốc như Linh Nga, cô chọn cho mình con đường trở thành một biên đạo chuyên nghiệp, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của nước nhà.
Trung Quốc còn là nơi "chắp cánh" cho nhiều nghệ sĩ múa ballet Việt Nam. NSƯT Đàm Hàn Giang - người được mệnh danh là "hoàng tử ballet" Việt cũng tu nghiệp tại Hồng Kông năm 19 tuổi và từng được Nhà hát Ballet Hồng Kông giữ lại làm diễn viên sau hai năm tập luyện. Chia sẻ với Dân Việt, anh tâm sự: "Trở thành nghệ sĩ ballet là một hành trình rất gian khổ và phải trải qua nhiều đau đớn, chỉ những người yêu nghề mãnh liệt mới theo đuổi được. Việc được học tập tại Hong Kong, sau đó được mời ở lại là một may mắn lớn đối với tôi, bởi tại đây, ballet là môn nghệ thuật được khán giả vô cùng tôn vinh và trân trọng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đem những kiến thức đã học được để quay về, biểu diễn trên mảnh đất quê hương của mình".
Sự kết nối trong âm nhạc cổ điển
Nhạc trưởng, giảng viên chỉ huy dàn nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Đồng Quang Vinh từng được cử đi học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Với sự học hỏi nghiêm túc và dày công khổ luyện chuyên môn, anh đã được trao tặng học bổng dành cho sinh viên xuất sắc nhất của Quỹ Quốc gia Trung Quốc.
Đặc biệt, Đồng Quang Vinh đã chỉ huy nhiều dàn nhạc trẻ ở Thượng Hải tham dự các cuộc thi Quốc gia Trung Quốc, luôn giành giải Nhất. 9 năm học tại tại Trung Quốc, anh kết hợp chơi nhạc cùng nhạc sĩ như Chen Xiaodong, nghệ sĩ piano Trung Quốc Mo Shuangshuang và thực hiện nhiều dự án kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam và Trung Quốc, thúc đẩy sự hiểu biết và kết nối văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ với số điểm cao nhất tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải, Đồng Quang Vinh trở về Việt Nam. Hiện tại, anh ghi dấu ấn với hàng loạt dự án âm nhạc chất lượng, đặc biệt là dàn nhạc Tre nứa Sức Sống Mới gồm 11 cựu sinh viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với những sáng tạo trên nền tảng âm nhạc truyền thống.
Quán quân Sao Mai 2017, dòng nhạc Thính phòng Đỗ Tố Hoa có bảy năm du học tại Trung Quốc sau khi giành giải thưởng tại cuộc thi "Tiếng hát hữu nghị Việt Trung" do Đài Truyền hình Quảng Ninh (QTV) và Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Tây (GXBS) tổ chức năm 2010. Nhờ đó, cô được Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân Đội cử đi học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc, chuyên ngành Biểu diễn thanh nhạc. Nữ nghệ sĩ được khán giả nước bạn biết tới qua giải Nhì cuộc thi Con đường Ngôi sao - cuộc thi quy tụ hàng trăm thí sinh khắp đại lục Trung Quốc. Năm 2019, Tố Hoa cùng 4 ngôi sao Trung Quốc và một ca sĩ Malaysia (nổi tiếng qua cuộc thi The Voice tại Trung Quốc) được chọn là Ðại sứ quảng bá Văn hoá và Du lịch tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, nhiệm kỳ 3 năm.
Sự thành danh của các nghệ sĩ Việt từng tu nghiệp tại Trung Quốc cho thấy sự kết nối văn hóa - nghệ thuật giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua. Từ những "mầm non", những "trái ngọt" đã dần hình thành, tiếp tục trở thành "cầu nối" cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
0 nhận xét:
Post a Comment