Chị sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến nhiều thăng trầm và đổi thay của mảnh đất này. Hà Nội xưa trong mắt chị như thế nào?
- Hà Nội ngày xưa im ắng, rộng rãi và nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều. Nguyên do là bởi thời đó, Hà Nội rất ít người, ít nhà cửa và ít xe cộ. Cuộc sống dù thiếu thốn đủ đường (nhất là thời bao cấp) nhưng lại rất êm đềm và gần gũi.
Khi đi qua thời kỳ bao cấp, bước vào thời kỳ hội nhập thì mọi thứ đều thay đổi. Lượng người từ nhiều nơi đổ về Hà Nội tăng lên chóng mặt, kéo theo đó là nhịp sống cũng nhanh và gấp hơn. Mỗi ngày bước ra phố là một cảnh quan mới, một màu sắc mới, một nhịp điệu mới.
Nhiều người hay tiếc nuối quá khứ, bảo rằng "bao giờ cho tới ngày xưa", tôi cho rằng chúng ta trân trọng quá khứ, nhưng không thể phủ nhận những điều tích cực của sự phát triển. Hà Nội ngày nay đẹp hơn, lộng lẫy hơn trước nhiều. Tôi còn nhớ, năm 1998, khi con gái của tôi ở Đức về Việt Nam, cháu bảo: "Nhìn TP.HCM còn hơi giống thành phố một chút". Năm 2000, con về Hà Nội lại bảo: "Ơ, Hà Nội bây giờ đẹp quá, hoành tráng quá rồi mẹ nhỉ?".
Đã bao giờ chị muốn rời khỏi thành phố này vì đã sống quá lâu ở đây, thấy mọi thứ đã quá quen thuộc và cũ kỹ?
- Tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi thành phố này, kể cả những năm chiến tranh ác liệt nhất. Tôi có một kỷ niệm mà mãi không thể quên đó là năm 1972, máy bay Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và chúng tôi buộc phải sơ tán về Bình Đà ở Hà Tây (nay là ngoại thành Hà Nội).
Khi nghe tin đã ngưng chiến trận, anh trai tôi (hơn tôi 2 tuổi) cõng tôi từ Bình Đà ra ga Ba La (Hà Đông) lên tàu điện về nhà ở phố Hoàng Hoa Thám. Vốn dĩ nhà tôi gần nhà máy da nên luôn bốc một cái mùi rất kinh khủng do nước xả thải của nhà máy xả ra hàng ngày. Khi hai anh em về đến gần nhà, ngửi thấy mùi thối đặc trưng đó, cả hai anh em đều oà lên "về đến nhà mình rồi". Lúc đó, tôi còn nói với anh trai rằng "Em không bao giờ ghét mùi này nữa đâu, không bao giờ em kêu bẩn nữa". Tức là chúng tôi nhớ nhà, nhớ cái mùi thân thuộc đến thế.
Kể cả khi đi sang nước ngoài thăm con gái, cứ đi được khoảng 1 tháng là tôi lại cuồng lên muốn đòi về vì quá nhớ Hà Nội. Năm 1993, tôi qua Nga đóng phim, khi phim quay xong tôi với ông xã ở lại đi du lịch các nước và định quá cảnh qua Đức thăm con gái nhưng vì trục trặc giấy tờ nên không qua được. Trong thời gian ở lại, buổi chiều hai vợ chồng thường đưa nhau đi qua các ốp chơi. Một lần đi qua một cái ốp thì nghe được bài hát "Việt Nam quê hương tôi", vậy là tôi bật khóc nức nở vì nhớ nhà. Tôi bảo ông xã Tất Bình: "Thôi, em phải về nhà Hà Nội ngay vì em không thể chịu nổi nữa". Nỗi nhớ nó cứ cồn cào khiến tôi đứng ngồi không yên.
Thời chưa nghỉ hưu, tôi đi diễn ở Hải Phòng, cứ 1 tuần lại phải về Hà Nội mấy lần. Rồi khi vào TP.HCM lưu diễn, tôi lúc nào cũng mong ngóng để được về Hà Nội chứ cũng không quen với xứ sở hoa lệ này.
Bao nhiêu năm qua, nhiều người vẫn gọi chị là "Em bé Hà Nội" Lan Hương. Chị nghĩ họ gọi mình như thế vì thấy chị vẫn mãi là một "em bé" trẻ mãi không già hay vì hình tượng trong bộ phim "Em bé Hà Nội" khắc quá sâu vào tâm trí họ?
- Tôi nghĩ, đó là do vai diễn trong "Em bé Hà Nội" đã khắc sâu vào tâm khảm mọi người. Vai diễn đó có thể còn ngô nghê vì lúc đó tôi còn bé nhưng nó là vai diễn đầu tiên của tôi. Vai diễn đó cũng đúng với hoàn cảnh của Hà Nội lúc bấy giờ. Thời mà gia đình nào cũng có mất mát và đau thương. Nỗi sợ hãi và căm thù chiến tranh lên đến tột đỉnh. Vì thế, khi phim được công chiếu thì đi vào tâm trí của từng người và làm cho từng người nhớ đến.
Dẫu vậy, trong quá trình làm nghề, tôi vẫn luôn cố gắng để vai diễn này thực sự "sống" trong lòng công chúng. Thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt hoặc những nụ cười dành cho tôi khi họ nhận ra chính mình là em bé Ngọc Hà năm xưa trong "Em bé Hà Nội". Thậm chí, cô bé đóng Thuỳ Dương - em của Ngọc Hà cũng được nhiều người nhớ. Cách đây 2 năm, có người bỗng hỏi tôi: "Cô bé đóng em của Ngọc Hà bây giờ ở đâu và thế nào nhỉ?".
Nhiều năm qua tôi vẫn đóng phim nhưng sau mỗi bộ phim, câu hỏi nhiều nhất tôi nhận được là "Không thể chấp nhận được, tại sao Lan Hương lại già như thế này?". Họ hỏi như vậy không phải vì chê tôi già nhanh mà vì trong hình dung của họ tôi vẫn là một "em bé". Nhưng cũng vì thế mà tôi đâm ra sợ đóng các vai bà, vai mẹ.
Chị có chia sẻ, năm 10 tuổi, vai diễn "Em bé Hà Nội" đã đặt viên gạch đầu tiên để chị có niềm tin vào nghề, nhưng sau đó lại phải cố gắng để giữ lại cái tên ấy trong lòng công chúng. Trong quá trình đó, chị có bị áp lực đè nặng lên mình không?
- Áp lực chứ, thậm chí rất áp lực đấy. Mọi người hay nghĩ rằng cái nghề này rất thoải mái, nhưng hoàn toàn không phải. Tôi cũng đã từng cho rằng làm diễn viên là câu chuyện của bản năng, người ta dạy thế nào mình diễn thế thôi, đỡ phải tư duy, trăn trở. Học hết lớp 10 (hệ 10/10 – pv), tôi kiên quyết bỏ thi hết cấp 3 để quyết tâm thi vào Nhà hát Tuổi trẻ, chứng minh cho mọi người biết tôi quyết tâm chỉ làm diễn viên, không làm gì khác. Lúc ấy, bố mẹ tôi "túm cổ" lại, bắt thi hết cấp 3 rồi mới đi tuyển tiếp.
Về sau, khi vào làm nghề rồi, tôi mới nhận ra rằng làm gì cũng phải học, phải đào sâu nghiên cứu, tìm tòi. Muốn làm nghề tốt không hề đơn giản. Cũng bởi vậy, tôi tiếp tục đi học Đạo diễn, học Thạc sĩ.
Trong các cuộc nói chuyện hàng ngày, mọi người cứ hay bảo: "Con bé này xinh xinh mà học dốt, sau cho đi làm diễn viên". Quan điểm thế là sai đấy! (cười).
Sự nổi tiếng sớm có khi nào khiến chị mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ, của một "em bé Hà Nội" mà lẽ ra chị phải có?
- Tôi là một đứa trẻ đặc biệt. Mẹ sinh tôi khi chưa được 7 tháng, tôi là em bé Hà Nội đầu tiên được nằm trong cái lồng ấp của Đức cho trẻ sinh non. Khi mang tôi về, mọi người bảo nhau: "Con bé này không bị dở hơi là may lắm rồi".
Tuổi ấu thơ, tôi ít nói lắm. Tôi thích thế giới riêng của mình, không giao tiếp nhiều bên ngoài, bệnh tật ốm yếu khiến tôi phải sống trong chỗ kín gió, chỗ ăn uống, chỗ ở đều phải sạch sẽ. Đương nhiên, ở thời điểm đó, để giữ được sự sạch sẽ là một điều hiếm hoi, nhưng mọi người luôn cố giữ để mình có không gian riêng như thế. Khi tôi vào học lớp vỡ lòng, gia đình cũng phải luân phiên nhau cõng đi học vì sợ đất cát, ho hen…Cũng bởi thế, cuộc sống của tôi rất khép kín, cái hồn nhiên, phơi phới như những đứa trẻ con khác, được ra sân tập thể chơi đánh đáo, đánh bi, nhảy dây, tôi không hề có.
Tôi luôn sống ở trong nhà, trong không gian chỉ có mấy con búp bê và tưởng tượng ra những câu chuyện của riêng mình. Tôi nghĩ con búp bê này là nhân vật A, con kia là nhân vật B, hôm nay diễn biến câu chuyện sẽ như thế nào, chúng sẽ ứng xử ra sao. Có lẽ những ngày tháng ấy cũng chính là hành tranh để sau này mình thích làm nghề và có tư duy làm đạo diễn.
Ông xã Tất Bình từng trêu tôi: "Từ nhỏ bà đã không bình thường, nhưng cũng may bà làm cái nghề hợp với cái sự không bình thường của bà. Bởi nghề này cũng toàn đứa không bình thường".
Chị từng là thành viên của lớp diễn viên khoá 1 của Nhà hát Tuổi trẻ cùng với các nghệ sĩ như Chí Trung, Lê Khanh, Minh Hằng, Đức Hải. Các anh chị đã được đào tạo như thế nào?
- Chúng tôi thi tuyển vào lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ vào năm 1978, với có 4000 thí sinh, sau đó chọn ra được 31 người, đến lúc tốt nghiệp thì chỉ còn 12 nghệ sĩ. Lẽ ra, tuyển sinh xong chúng tôi sẽ phải đưa vào trường Sân khấu – Điện Ảnh học như mọi khóa khác nhưng NSND Hà Nhân, NSND Phạm Thị Thành muốn thử phương pháp đào tạo mới, không đưa vào trong trường nữa.
Các cô xin được địa điểm tại 23 Ngô Thì Nhậm (bây giờ là 21), có nhà tập và phòng học. Cô Thành và cô Nhân mời các thầy trong trường ra dạy, nhưng học thì học tại nhà hát. Khóa chúng tôi học nhạc lý nhiều, học cả hát, thanh nhạc và múa, nguyên do là bởi ban đầu, hai cô định thành lập một Nhà hát tạp kỹ, nhưng sau đó do thị trường nên chuyển sang tập trung vào Kịch nói.
Rất nhiều người thuộc lớp diễn viên khóa I đã tạo dựng được tên tuổi và chỗ đứng trong lòng công chúng. Theo chị, đâu là điểm đặc biệt của các diễn viên của thế hệ này, khiến họ được khán giả yêu mến?
- Thế hệ chúng tôi không có internet, truyền hình, hoàn toàn không thể biết nước này nước kia các diễn viên khác diễn ra sao. Chúng tôi toàn tự mày mò, nhưng cái mày mò này lại có lẽ lại là điều may mắn cho lứa diễn viên chúng tôi. Bởi khi đã tìm tòi, sáng tạo thì lối diễn đó hoàn toàn là của mình, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai cả. Dễ thấy Lê Khanh diễn phong cách của Lê Khanh, Ngọc Huyền diễn phong cách của Ngọc Huyền, Lan Hương diễn phong cách Lan Hương, chẳng một ai diễn giống ai cả. Hiện nay, nhiều bạn diễn viên khó khăn trong việc định hình phong cách cho mình. Họ trở nên mờ nhạt và dễ dàng trộn lẫn.
Có kỷ niệm nào trong những ngày tháng khó khăn ấy khiến chị nhớ mãi?
- Vất vả thì nhiều lắm, nhưng nghĩ lại mọi thứ đều là những ký ức vui vẻ cả. Mỗi tháng chúng tôi nhận 3 cân thịt, vài cân đường, dăm ba hộp sữa. Tiền học bổng được nhà nước cấp cho là 16 đồng. Bếp cơm tập thể có cơm, canh, một ít lạc rang. Tôi với Minh Hằng thường xuyên cậy tủ của nghệ sĩ Thanh Chi, lấy "trộm" nước mắm tỏi ớt mẹ anh ấy gửi cho để chan với cơm ăn sau khi đi diễn về.
Ngày xưa, khi đang theo học tại nhà hát Tuổi Trẻ, chúng tôi đã đi đóng vai quần chúng cho lứa diễn viên kỳ cựu được đưa về như nghệ sĩ Lê Chức, Tất Bình, Kim Thu, Song Kim… Mỗi tối đi diễn phải trang điểm tới 3 tiếng đồng hồ, thù lao chỉ có một bát phở, nhưng đứa nào cũng vẫn vui.
Phần lớn cuộc đời hoạt động nghệ thuật của chị gắn liền với Nhà hát Tuổi trẻ, chị có thể chia sẻ cảm xúc với những đã khai sáng, thành lập Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Hà Nhân, NSND Phạm Thị Thành?
- Nhiều lắm, đặc biệt với nghệ sĩ Phạm Thị Thành với tôi vừa là cô, vừa là mẹ. Kể cả việc bây giờ tôi theo công tác đào tạo trong trường cũng là cô ấy hướng dẫn từ năm 2010.
Hồi ấy, khi chúng tôi bước chân vào lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Tuổi trẻ đều phải ký vào một tờ giấy cam kết trong 3 năm không được yêu đương, lấy vợ lấy chồng, chỉ toàn tâm toàn ý vào việc học. Tôi luôn luôn vi phạm trong 3 năm học đó, còn những người vi phạm cái khác cơ nhưng thôi tôi không nói tên (cười). Tôi thường xuyên bị phạt nặng nhất vì "người ta ăn vụng thì biết chùi mép", còn tôi rất gà tồ, mà tôi thường nhận luôn, tính tôi không thích nói dối và cũng không biết nói dối.
Ngày ấy, cô Hà Nhân xử lý mạnh tay lắm, suốt ngày bắt viết kiểm điểm, trong khi đó cô Thành luôn bênh chúng tôi: "Thôi chúng nó còn trẻ, tha cho chúng nó, miễn không ảnh hưởng quá mức việc học hành là được".
Tôi vẫn thường xuyên tới thăm cô Thành, cô lẫn lộn nhiều rồi nhưng riêng Lan Hương đến thì bà luôn nhớ.
Trong suốt những năm 80 của thế kỷ trước, dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã sống và thăng hoa với những vở diễn của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ như Mùa hạ cuối cùng, Lời nói dối cuối cùng, Tin ở hoa hồng, Lời thề thứ 9… Chị có thể chia sẻ những ký ức mà chị còn nhớ về tác giả Lưu Quang Vũ?
- Tôi cùng với Anh Tú, Chí Trung, Lê Khanh là những diễn viên đóng "Mùa hạ cuối cùng" – vở kịch đầu tiên của anh Lưu Quang Vũ, sau này còn nhiều vở diễn khác... Anh ấy là một người viết kịch xuất sắc, mỗi vở kịch đều chân thực, gần gũi, đem lại những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả.
Thật ra tôi không thân với anh Vũ, nhiều người ở nhà hát thân thiết với anh hơn, nhưng tôi không làm được như vậy. Tôi không phải kiểu người cứ thấy ai nổi tiếng thì chạy lại làm quen, vồn vã, nịnh nọt. Mặc dù vậy, anh Vũ rất quý tôi, tới đâu anh cũng giới thiệu: "Đây là Lan Hương, người đầu tiên đóng vai chính trong vở của Vũ".
Hồi anh Vũ mất, nhà hát chúng tôi tổ chức giỗ 49 ngày của anh rất lớn, bức ảnh chân dung anh được phóng to, treo lên sân khấu làm lễ. Sau khi nghi lễ kết thúc, bức ảnh vẫn được để ngay tại sân khấu bởi nhà hát chưa có mái tôn che. Những ngày ấy, Hà Nội mưa tầm tã, tôi đi làm, thấy mưa rơi vào mặt anh, tôi thấy tội quá nên bê bức ảnh lên gác phía sau. Cứ thế 3 hôm liền, đến ngày mọi người tìm ra chỗ phù hợp để chuyển đi.
Có một điều kỳ lạ là tôi có ba giấc mơ mà anh Lưu Quang Vũ xuất hiện, những giấc mơ ấy như một lời dự báo, hay sự "mách bảo" cho quá trình nghệ thuật sau này. Năm 1989, khi tôi đang chuyên tâm làm diễn viên, một lần tôi ngủ mơ thấy anh Vũ, anh nói: "Lan Hương ơi, em có khả năng đạo diễn, khả năng viết kịch tốt lắm đấy", trong mơ tôi trả lời: "Em chỉ biết diễn thôi, em cũng thích làm đạo diễn nhưng biên kịch chắc em không làm nổi". Tỉnh dậy tôi nói với anh Bình: "Em vừa mơ thấy ông Lưu Quang Vũ, em không thân nhưng sao lại có giấc mơ kỳ lạ tới vậy". Rồi câu chuyện lại quên đi, nhưng không hiểu sao sau đó tôi luôn cảm giác có ai đó phù hộ cho mình.
Đến năm 1996-1997, hài kịch phát triển. Tôi không giỏi về hài kịch, khi tham gia đóng trong vở của anh Lê Hùng, đó cũng là một vai diễn bình thường, mọi người cũng cười khi tôi diễn như cười với bất kì diễn viên nào khác, chẳng có gì đáng nhớ.
Hôm đó, đoàn phân công làm chương trình mới, tôi buồn lắm, tôi nghĩ mình không thể cứ diễn kiểu nhe răng, ưỡn ngực, ngoáy mông như thế này, nó đâu đúng với con người của mình. Cả đêm tôi nằm và buồn quá, tôi không biết làm thế nào. Tôi lại nằm mơ thấy anh Lưu Quang Vũ, anh bảo: "Hương ơi, em có còn nhớ không, đợt trước một đoàn Trung Quốc họ qua diễn vở hai người thọt chân, chỉ dài vỏn vẹn 5' thôi mà hay lắm". 5h sáng hôm sau, tôi phóng vội lên nhà hát, miêu tả lại với anh Lê Hùng, sáng tạo thêm vài tình tiết. Cũng nhờ vậy, anh Lê Hùng đã dựng cho tôi màn diễn "Cảnh ngộ", lừng lẫy sân khấu kịch thời bấy giờ.
Hết chương trình đó lại tới chương trình mới, trong giấc mơ anh Lưu Quang Vũ lại mách cho tôi làm "Giấc mơ hạnh phúc". Cũng từ vở kịch "Giấc mơ hạnh phúc" mà tôi mới thành lập đoàn kịch hình thể và nhận ra thế mạnh của mình chính là diễn bằng hình thể.
Những năm 80-90 của thế kỷ trước, sân khấu đã có một thời kỳ rất hoàng kim với những đêm diễn đầy ắp khán giả với các vở kịch của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Doãn Hoàng Giang. Thế nhưng hiện tại, sân khấu kịch buồn hiu hắt, diễn viên sân khấu phải làm rất nhiều nghề như đóng phim… để sống. Theo chị, nguyên nhân do đâu sân khấu lại xuống dốc và phải làm gì để sân khấu tìm lại hào quang xưa?
- Không chỉ mỗi Việt Nam sân khấu kịch hiu hắt đâu, đó là xu thế chung của toàn thế giới, khi màn hình ra đời, internet phát triển. Có dịp đi diễn ở các nước, tôi chứng kiến sân khấu đều trở nên đìu hiu hơn trước. Tuy vậy, tại nhiều quốc gia, người ta đã tìm ra những giải pháp mới và bứt ra được. Tôi cũng trăn trở với điều này và từng tìm cách bứt ra nhưng chưa đâu vào đâu thì đã phải dừng lại.
Khán giả nhiều nước đang bắt đầu quay lại rạp. Họ đã chán nhìn màn hình rồi và muốn trở về với thế giới thật. Thế nhưng, để khán giả quay lại cần có sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng.
Có lần, khi tôi sang Hàn Quốc biểu diễn, tôi đã được đưa tới nhà hát công của họ. Đây là nhà hát lúc nào cũng kín khán giả với sân khấu hàng ngàn chỗ, cách vài dãy ghế lại có camera để khán giả có thể nhìn rõ mặt diễn viên. Sân khấu của họ như sân khấu thực cảnh, có nhà, có phòng ốc, cầu thang, họ có thể mang nửa con tàu trên sân khấu. Như thế, khán giả mới thích, mới mong muốn tới xem và tận hưởng.
Ở nước ngoài, người ta dám làm, dám đầu tư, còn tại Việt Nam, chưa có ai yêu nghệ thuật kịch tới mức đó.
Có thể hình dung cuộc sống của chị những ngày không đi đóng phim – kịch, không dàn dựng sân khấu, không giảng dạy… sẽ như thế nào? Vợ chồng chị sống với nhau những ngày tháng nghỉ dưỡng tuổi về hưu ra sao?
- Ông xã Tất Bình nhà tôi nếu có ai mời đi làm phim thì vẫn đi, nếu không đi làm phim thì ở nhà túc tắc viết kịch bản. Tôi thì cũng thế, cũng ở nhà viết kịch bản sân khấu cho khuây khoả nỗi nhớ nghề. Thỉnh thoảng tôi lại lôi cọ ra vẽ hoặc đi lễ ở các chùa, đền, phủ, nhà thờ. Tôi thích đi lễ lắm. Đi lễ không phải do mê muội hay mê tín mà vì tôi thích quang cảnh ở các nơi này.
Tôi nhận thấy mình có tín ngưỡng nhưng không mê muội. Tôi không bao giờ tin vào những điều phi thực tế, thiếu khoa học. Chẳng hạn, tôi bị ốm thì tôi cầu cho mình được gặp thầy gặp thuốc để sớm khoẻ chứ không phải tín đến mức độ không đi bệnh viện mà chỉ chăm chăm cầu cúng.
Gần đây chị có chia sẻ trên trang cá nhân là bây giờ nhiệm vụ của chị là ngày hai bữa, đưa ông xã Tất Bình đi đến điểm quay phim rồi lại đón về. Phải chăng đó cũng là một cách để vợ chồng chị gần nhau?
- À, cái này là cả một câu chuyện "dở khóc, dở cười". Ngày xưa, mỗi lần đi làm phim, anh ấy đều có xe của hãng đưa đi đón về. Nhưng bây giờ, đi đâu anh ấy cũng tự đi bằng xe máy do mọi người trong nhà không chịu cho anh ấy lái xe ô tô. Do tính anh ấy hơi hấp tấp trong khoản lái xe nên mọi người sợ gặp nguy hiểm mới không cho lái xe ô tô đi làm. Nhưng chính vì thế mà anh ấy dỗi và không chịu ngồi lên xe người khác trong nhà. Mấy năm nay, tôi thuyết phục mãi mới chịu để tôi lái xe chở đi và đón về.
Ngần đó năm sống với nhau, chị thấy ông xã Tất Bình thay đổi như thế nào?
- Chúng tôi chính thức sống với nhau từ năm 1985, tính đến nay cũng gần 40 năm rồi. Nhưng quãng thời gian sống bên nhau ít lắm vì anh ấy đi làm phim suốt. Có thời kỳ, anh ấy làm phim trong phía Nam, thỉnh thoảng chỉ về có vài ba ngày rồi lại đi tiếp. Những đợt nào anh ấy đi lâu quá thì tôi lại bay vào thăm.
Có một thời gian anh ấy về ngoài này nhưng cũng toàn đi các tỉnh làm dự án chứ rất ít khi ở nhà. Nhiều khi vợ chồng chỉ nhìn thấy nhau vào lúc 12 giờ đêm, cười với nhau một cái rồi lên giường ngủ, sáng 6 giờ lại vợ đi đường vợ, chồng đi đường chồng.
Thời gian đó tôi vẫn chưa nghỉ hưu nên cũng không buồn lắm vì sự vắng mặt thường xuyên của chồng. Vì bản thân tôi cũng rất bận bịu với đoàn kịch và các công việc ở Nhà hát.
Mấy năm nay anh xã mới ở nhà nhiều hơn. Mang tiếng là ở nhà nhưng anh ấy cũng không chịu ngồi yên một chỗ đâu. Lịch của anh ấy hồi chưa dịch Covid-19 là 7 giờ sáng ra ngồi cà phê với các bạn, 11 giờ anh ấy về ăn cơm xong ngủ trưa, đến chiều dậy lại ngồi vào viết kịch bản trên phòng. Đến giờ cơm chiều thì anh ấy xuống bếp nấu cơm, tôi rửa bát. Anh ấy rất thích nấu cơm, ngày hai bữa đều đặn. Nhiều khi không muốn cho nấu nhưng anh ấy bảo "Không cho anh nấu nướng thì anh biết làm cái gì bây giờ, anh chẳng biết làm cái gì hết" thế là đành phải cho anh ấy nấu.
Đã bao giờ, giữa chị với đạo diễn Tất Bình mâu thuẫn tới mức đẩy hôn nhân đến bên bờ vực?
Tôi nghĩ, chúng tôi đến với nhau là duyên nợ. Nhiều khi cãi nhau vớ vớ vẩn vẩn xong rồi lại thôi chứ không rời xa được. Như chồng đầu của tôi cũng vậy, không hề cãi nhau gì cả nhưng rồi cứ xa dần… xa dần thôi.
Có thể do ngày xưa tôi còn non nớt, chưa biết yêu và chưa biết chấp nhận cái xấu của đối phương. Yêu nhau sống với nhau là phải biết chấp nhận cả cái xấu lẫn cái tốt mới hoà hợp và bền lâu được.
Chị có từng hối tiếc khi đã không sinh con cho đạo diễn Tất Bình?
- Chuyện con cái có nhiều cái khó nói lắm. Lúc tôi sinh được thì cứ mải mê theo công việc, hết dự án này đến dự án khác. Khi được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú lại bảo cố thêm chút nữa để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Đến khi toại nguyện mọi thứ, nhìn lại đã thấy cháu ngoại lớn phổng rồi, lại ngại chuyện sinh đẻ. Bây giờ cháu ngoại lớn thế rồi mà mình đẻ con thì buồn cười lắm. Đến năm 1998, khi tôi 36 tuổi, tôi đã không nghĩ gì đến chuyện đẻ con nữa.
Thực ra, năm 1989, tôi có bầu nhưng do ốm nghén nặng quá nên tôi không giữ được. Có một dịp, tôi đi tuyển sinh thì thấy toàn các bạn trẻ sinh năm 1989 đi ứng tuyển. Tôi về nhà thở dài bảo với ông xã: "Anh ơi, em tiếc thật. Nếu ngày xưa cố giữ được con thì bây giờ con cũng đã đi thi đại học". Anh ấy bảo: "Liệu có dám chắc là nếu ngày xưa sinh con thì bây giờ con nó đi thi đại học hay đang lại là đại ca giang hồ? Thôi, không tiếc, tất cả đã là số phận rồi".
Tôi luôn tin mỗi người có một số mệnh khác nhau, thay vì tiếc nuối, hãy cứ nên vui vẻ và an lòng với hiện tại.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
0 nhận xét:
Post a Comment