Sau câu chuyện lùm xùm liên quan đến Hồ Văn Cường mới đây, không ít người cho rằng, các Quán quân, Á quân trưởng thành từ các cuộc thi đang ngày càng "biến mất". Nhiều tài năng âm nhạc bước ra khỏi cuộc thi âm nhạc vẫn đang loay hoay với việc xây dựng cho mình những kế hoạch đường dài.
Trong khi đó, các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình ngày càng nhiều nhưng lại đào tạo thí sinh theo kiểu "gà công nghiệp". Điều này khiến cho nền âm nhạc thiếu đi những nhân tố mới đủ nét đặc biệt hoặc mới lạ để thúc đẩy dòng chảy âm nhạc. Trước vấn đề này, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt.
Chị nhìn nhận như thế nào về chuyện các Quán quân, Á quân các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình cứ rơi rụng dần khi "hào quang" chưa kịp toả sáng?
- Đa phần các tài năng âm nhạc đến với các chương trình truyền hình thực tế hoặc cuộc thi âm nhạc đều bằng hai bàn tay trắng. Trong cuộc thi, các thí sinh có sự hỗ trợ và giúp sức của nhà sản xuất nhưng khi bước ra khỏi đó, các em lại không có "bệ đỡ" thành ra muốn phát triển cũng rất khó.
Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy, các bạn như: Hương Tràm, Đức Phúc, Trúc Nhân, Vũ Cát Tường.... hoặc các tài năng nhí như: Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Hà Quỳnh Như, Hồ Văn Cường... đều có sự hậu thuẫn lúc ban đầu nên các bạn ấy vẫn có những dấu ấn nhất định sau khi bước ra khỏi cuộc thi.
Nhưng nếu phát triển đường dài thì cần phải có một kế hoạch bài bản và những xây dựng cho mình một cá tính âm nhạc. Tôi cũng từng nhắn nhủ các thí sinh, cuộc thi chỉ là bệ đỡ đưa các bạn đến với khán giả lúc ban đầu thôi, nếu muốn đi đường dài phải có một kế hoạch rõ ràng. Nếu các bạn không làm thì các quán quân sau sẽ vượt lên các bạn phía trước.
Có không ít ý kiến cho rằng, các cuộc thi bây giờ đào tạo thí sinh như "gà công nghiệp" nên khi bước ra khỏi cuộc thi họ bị mất đi sự chủ động và sáng tạo. Đó cũng là lý do nhiều ca sĩ có tiềm năng mà loay hoay mãi vẫn chưa nổi tiếng?
- Tôi cho là quan điểm này hơi một chiều. Có rất nhiều gương mặt đã nổi tiếng sau khi chinh phục được các ngôi vị cao nhất trong cuộc thi. Nếu không có Giọng hát Việt nhí người ta không biết Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Thiện Nhân…; nếu không có Giọng hát Việt người ta không biết đến Hương Tràm, Đức Phúc, Vũ Cát Tường, Trúc Nhân, Bảo Anh, Hiền Hồ…
Nếu không có các cuộc thi làm bàn đạp để sau này các bạn phát triển nghề nghiệp của mình thì chưa chắc các bạn ấy đã có được những vị trí như bây giờ. Rõ ràng, "duyên số" bắt đầu từ cuộc thi các bạn ấy đoạt được Quán quân, Á quân đã.
Tôi thấy các bạn trẻ khi được tôi luyện trong các cuộc thi âm nhạc, bước lên sân khấu hát rất chắc và kỹ thuật tốt. Bây giờ, người ta không chỉ đòi hỏi ca sĩ phải hát tốt trong phòng thu mà còn phải hát trực tiếp tốt.
Xét ở một góc độ khác, không phải các bạn ấy biến mất hết đâu mà có thể mỗi người có những đường hướng âm nhạc, cái duyên với khán giả, với nghề khác nhau. Và ngoài tài năng, ngoài duyên nghề còn phải có bệ đỡ ở phía sau nữa.
Thực tế là bây giờ các quán quân nổi tiếng thực sự nhờ thực lực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo chị, các ca sĩ trẻ hiện đang thiếu những điều gì?
- Từ 2013 đến nay, các Quán quân, Á quân các cuộc thi âm nhạc đều có những người nổi bật và đến bây giờ vẫn hoạt động âm nhạc. Ví dụ, Hương Tràm, Trúc Nhân, Cát Tường… Đôi khi, trong một cuộc thi, không phải người chiến thắng là người nổi bật nhất. Nhưng nếu không có con đường âm nhạc và những kế hoạch mang tính chiến lược để đi được đường dài sẽ rất khó để giữ chân khán giả.
Các bạn không thể ngồi chờ người ta đến tìm các bạn được mà tự lập ra kế hoạch cho bản thân mình. Các bạn không làm gì, không ra tác phẩm, không ra xây dựng hình ảnh… thì dù trước đó các bạn có "hot" đến mấy cũng vẫn sẽ "chìm" thôi. Các bạn phải xây dựng hình ảnh và có các sản phẩm chất lượng.
Truyền hình thực tế về âm nhạc đang thoái trào. Chị có nghĩ vậy không?
- Thực ra là truyền hình thực tế về âm nhạc đang bị "over" (nhiều quá) so với nhu cầu thực tế. Ngày xưa chỉ có The Voice (Giọng hát Việt), Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc), Vietnam Got's Talent (Tìm kiếm tài năng)… còn bây giờ thì quá nhiều. Các cuộc thi tìm kiếm và đào tạo những giọng hát thực sự hay, thực sự chất lượng thì tôi vẫn chưa thấy cuộc thi nào vượt qua khỏi The Voice và Vietnam Idol.
Còn tất cả các gameshow hoặc những cuộc thi mang tính chất giải trí có sự tham gia của các nghệ sĩ không phải chỉ để hát không mà còn để vui và mang lại tiếng cười chứ không quá nghiêng về nghệ thuật. Nghĩa là, các cuộc thi mang đúng nghĩa là tìm kiếm nhân tài bây giờ không có mà chủ yếu là "sân chơi". Các cuộc thi tìm kiếm nhân tài mới thực sự tìm ra những nhân tố mới để đưa các bạn ấy bước lên sân khấu phục vụ khán giả với danh nghĩa ca sĩ.
Theo chị, 3 năm trở lại đây, tìm kiếm nhân tài khó hơn hay ngày xưa khó hơn?
- Bây giờ dễ hơn ngày xưa nhiều vì bây giờ rất nhiều tài năng. Ngày xưa, trong các cuộc thi cách đây 5 – 7 năm, chất lượng thí sinh rất kém. Nhưng trong một cuộc thi, các thí sinh hát hay rất ít nên sự nổi bật của từng người rất dễ nhìn thấy. Nhưng bây giờ quá nhiều bạn hát hay, có kinh nghiệm sân khấu vì được bố mẹ cho đi học từ khi còn bé nên tìm ra một nhân tố đặc biệt rất khó. Có nhiều bạn được gia đình đầu tư cho theo học ở các "lò" chỉ để tham gia các cuộc thi về âm nhạc trên truyền hình thôi.
Bây giờ các bạn có điều kiện để nghiên cứu về các xu hướng âm nhạc của thế giới. Từ đó, có sự cập nhật nhanh chóng và có gu âm nhạc văn minh hơn. Trên nền tảng mạng xã hội như Tik Tok, Facebook… chúng ta vẫn thấy các bạn trẻ chia sẻ rất nhiều clip mang tính chất "bắt trend". Bây giờ các bạn vừa có được nghệ thuật, vừa có được tính giải trí. Ngày xưa các bạn ấy chỉ biết hát chứ không mấy người biết vũ đạo.
Trong nhiều năm làm giám đốc âm nhạc của các cuộc thi âm nhạc tôi thấy các bạn ấy hay thì rất nhiều nhưng để có cá tính riêng thì rất ít. Các bạn ấy bắt chước nhau quá nhiều và không dám làm những thứ phá cách. Chẳng hạn, có những bạn hát Tiếng Anh thì y chang bản gốc và nếu hát như vậy người ta nghe bản gốc chứ cần gì nghe bản "fake". Sự sáng tạo bị thiếu rất nhiều. Đôi khi một người nghệ sĩ làm gì đó quái quái là đã đặc biệt rồi.
Theo chị, các tài năng nhí khi nổi tiếng sớm quá sẽ mất gì và được gì?
- Việc trở thành người nổi tiếng sớm cũng sẽ khiến nhiều tài năng nhí đối diện với nhiều được mất và áp lực. Vì thế, đôi khi việc "biến mất" một thời gian dài để tập trung cho học hành của nhiều tài năng nhí cũng là một sự hợp lý. Bất kỳ thành công nào cũng đều phải được xây dựng trên nền tảng học vấn. Tuy nhiên, nếu mình có đam mê và tình yêu mà không "cháy" hết mình với nó cũng sẽ khiến "ngọn lửa" trong mình nguội tắt. Hài hoà được cả hai thứ đó vẫn là tốt nhất cho những tài năng nhí để không bỏ phí tài năng.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
0 nhận xét:
Post a Comment