* Bài viết mừng 30 năm ngày báo Hoa học trò ra đời của Jap Tiên Sinh (nguyên "Dám" đốc Trường Cười, HHT)
Hằng năm, cứ mỗi độ cuối Thu, tôi lại nhớ một ngày giữa tháng 10 năm 1991, bác đưa thư dừng xe đạp trước cổng, gọi tên tôi rất to để đưa cho một tờ báo mới toanh, trang bìa là ảnh một bạn gái mặc bộ quần áo dân tộc, những trang bên trong có màu giấy "hơi đen một tí" và chữ hay bị nhòe dấu. Bác cho biết đây là báo mới, những gia đình đặt báo Thiếu niên Tiền phong định kỳ sẽ được tặng 3 số đầu tiên.
Dạo ấy sách báo còn hiếm nên mừng lắm, vào nhà là đọc luôn một mạch, để rồi đọc xong chợt thấy ngẩn ngơ, lần đầu tiên trong đời cảm giác xốn xang, ngọt ngào dâng trào mãnh liệt. Từ đó tôi "nghiện" Hoa Học Trò.
Nhưng không chỉ tôi, mà các bạn cùng trường cùng lớp, và độc giả tuổi mới lớn cả nước cũng vậy. Chúng tôi cùng háo hức chờ số mới, để giờ ra chơi chụm đầu vào cùng đọc, hoặc để trong ngăn bàn rồi thỉnh thoảng hé mắt liếc xuống vội vàng khi thầy cô đang xem lại giáo án.
Ngay số đầu tiên, lời nhắn "Hoa Học Trò đơm nụ đầu" đã tạo cho độc giả học trò cảm giác thân quen, rồi mục "Nhật ký để ngỏ" rất hợp tuổi học đường thích viết lưu bút,... và nhiều nữa, mục nào đọc xong cũng muốn đọc thêm. Học trò xôn xao hạnh phúc khi có tờ báo dành riêng tuổi của mình.
Đến những số sau, tòa soạn kêu gọi học trò cùng tham gia viết báo: Các bạn chính là những người viết cho nhau đọc! Từ ngạc nhiên đến tò mò, đến háo hức khi học trò nhiều nơi có bài đăng. Rồi một ngày nọ tôi thấy vui vui vì nhiều bạn cùng trường khoe đã gửi bài cho Hoa Học Trò. Bạn thì viết truyện ngắn, bạn khoe thơ, bạn viết "lưu bút học đường",... tiếc là mãi chưa thấy ai trong trường được đăng.
Đọc những dòng địa chỉ bên dưới tên các tác giả cũng đủ thấy độc giả khắp nơi tham gia viết cho Hoa Học Trò. Nghe nói tuần nào tòa soạn nhận được cả bao tải thư, thế thì "được lên báo" còn khó hơn được giấy khen (ngày ấy số học sinh được nhận giấy khen hiếm như số học sinh bây giờ không được nhận giấy khen vậy).
Tòa soạn hiểu tâm lý học trò nên mở thêm nhiều mục: Này là "Học trò bình thơ học trò" dành cho những nhà thơ và những nhà phê bình tương lai, này là "Câu lạc bộ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba...", này là "Cảm xúc suy tư", rồi "Trang thơ", "Truyện ngắn",... Muốn có nhiều cơ hội được lên báo hơn nữa thì tham gia mục "Thử tài của bạn" vì đã có sẵn hình ảnh để gợi ý viết.
Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến "Văn phòng Divu" của anh Chánh Văn - quân sư quạt... mát những băn khoăn lứa tuổi trăng náu, trăng tròn, trăng... xế, với những câu trả lời hài hước và thông minh đến mức "cười không kịp đỡ". Học trò đua nhau gửi câu hỏi để được anh Chánh trả lời, báo mới ra là cứ phải lật ngay trang bìa 3 rồi mới nhấn nhá những trang khác, "anh Chánh Văn" trở thành nhân vật gây tò mò nhất báo Hoa, thậm chí còn là chủ đề để học trò tưng bừng... thêu dệt.
Tôi cũng hào hứng viết trong... bí mật, rất chăm chỉ. Khác các bạn cùng trường, tôi kiên nhẫn gửi bài cho "Câu lạc bộ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba...", còn gọi là "Trường cười". Bởi tôi nhận ra mục này chỉ cần ý tưởng, viết rất ngắn cũng có cơ hội được đăng, phù hợp với cậu học trò khối A thường xuyên viết văn lạc đề như tôi.
Hồi ấy có một loại giấy trắng, gồm 20 tờ A3 gập lại thành thếp 80 trang, xén gọn gàng. Thầy mẹ tôi thường mua loại này về rồi tự đóng thành vở cho chúng tôi, bìa được bọc bằng báo cũ và nhãn vở cũng "tự sản xuất". Viết bằng loại giấy thếp ấy, tôi "sáng tác" đủ thứ trên đời, mỗi mặt giấy tôi viết một bài, rồi lần lượt gửi đi trong hồi hộp. Khi đã viết hết khoảng chục thếp và tốn rất nhiều tiền tem thì tôi bùng nổ cảm xúc vì nhận được tin vui.
Thật khó diễn tả tâm trạng sung sướng đến nổi da gà, khi một buổi chiều tôi vừa đi làm thêm về, mấy đứa em tôi chạy ra tranh nhau thông báo: "Anh có bài đăng trên báo Hoa Học Trò".
Từ sau khi được đăng "bài báo" bé bằng bao diêm đó tôi tự tin viết công khai, còn chăm chỉ hơn trước, gắng tìm ra "công thức chung" của truyện cười, số bài được đăng nhiều dần. Rồi tôi trở thành một trong số hàng trăm nhà văn, nhà báo trưởng thành từ "cái nôi Hoa Học Trò".
Ai cũng từng trải qua tuổi thơ với biết bao kỷ niệm, nhiều người may mắn có được những ngày cắp sách đến trường, nhiều người còn có niềm vui chung với bạn bè ở khoảng trời riêng Hoa Học Trò để cùng nhau khám phá.
Những kỷ niệm với báo Hoa nhiều lắm, mỗi độc giả tuổi mới lớn ngày ấy sẽ có một vài chuyện xưa để hoài niệm. Tròn 30 năm ra số đầu tiên, thấy rất nhiều "cựu học trò" khoe trên Facebook trọn bộ sưu tầm Hoa Học Trò, các số báo từ những ngày... giấy đen.
Riêng tôi, thỉnh thoảng chợt nhớ lại miền ký ức tuổi học đường, nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ thuở sinh viên trường ĐHSP HN, tôi không thể không nhớ báo Hoa Học Trò.
Nhà báo Trần Nhật Giáp sinh năm 1974, hiện là Thư ký tòa soạn báo Làng Cười, anh thuộc lứa Hương Đầu Mùa đầu tiên của báo Hoa Học Trò, phương châm viết truyện cười của anh: "Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi viết truyện cười còn... khổ gấp đôi".
0 nhận xét:
Post a Comment