Biến rác thành “vàng”
Chúng tôi đến thăm làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) vào những ngày cuối năm trong ánh nắng vàng như mật đang nhảy nhót trên những tấm vải lụa Vạn Phúc đầy màu sắc. Không khó để tìm ra khu vực trải nghiệm sản phẩm của HTX Vụn Art xinh xắn nằm giữa Khu bảo tồn làng nghề Vạn Phúc. Bước vào căn phòng nhỏ ấm cúng chỉ vài chục mét vuông, chúng tôi bị thu hút bởi những bức tranh dân gian Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh làng Sình... với màu sắc tươi tắn, rực rỡ được ghép từ những mảnh lụa vụn tưởng chừng chỉ bỏ đi.
Một thùng vải lụa vụn đủ sắc màu để ở giữa phòng, mỗi người một góc, người chọn vải, ép mếch, người cắt, người dán… Ngạc nhiên hơn nữa khi thấy có khá nhiều bạn trẻ khuyết tật, người thì tỉ mỉ hướng dẫn những khách hàng nhí làm những bức tranh vải nhỏ, người thì say sưa vẽ, cắt, dán, đính những chi tiết nhỏ xinh được làm từ vải lụa vụn, để hoàn thiện những bức tranh kinh điển của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Em Bùi Thị Dung (18 tuổi) với đôi mắt to tròn, nụ cười hiền ngồi vui vẻ hướng dẫn một khách hàng “nhí” làm bức tranh lụa hình bé gái. Dù bàn tay còn run run mỗi khi cầm miếng vải nhưng Dung vẫn kiên nhẫn làm cho bằng được. Hồi lớp 6, trong một lần đi học, Dung bị tai nạn giao thông khá nặng và bị tật ở tay. Sau đó, Dung bỏ học và nhiều năm liền chỉ ở trong nhà, không ra ngoài vì sợ bạn bè cười chê. Đến khi trung tâm Vụn Art ra đời, các anh chị đến vận động mãi Dung mới chịu đến trung tâm làm. Những ngày đầu Dung tưởng như bỏ cuộc, bởi rất khó khăn để có thể điều khiển được bàn tay cứng đờ của mình. Sau 1 năm bằng tất cả kiên trì, nỗ lực và nước mắt, giờ Dung đã là một mắt xích trong những “miếng ghép” tỉ mẩn và kỳ công của Vụn Art. “Em cảm thấy rất vui vì mình đã làm được việc có ích, hằng ngày được làm tranh, được hướng dẫn mọi người làm đã giúp em tự tin hơn rất nhiều. Đồng thời, em cũng có chút thu nhập để phần nào đỡ gánh nặng cho bố mẹ” - Dung tâm sự.
Hằng ngày, những bạn trẻ khuyết tật (thiểu năng, điếc, khuyết tật vận động...) vẫn tỉ mẩn với từng vụn vải nhỏ để tạo thành những bức tranh lớn nhỏ, những búp bê vải, những tạo hình vô cùng tinh tế và mang đậm hơi thở Việt... Từng công đoạn đều được các bạn trẻ làm với sự say mê.
Em Quảng ngồi giữa phòng mở điện thoại xem hình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến - rồi lại chăm chú nhìn tác phẩm mình đang thực hiện, mắt ánh lên niềm vui. Quảng bị khiếm thính bẩm sinh. Trước đây bố mẹ xin cho Quảng đi làm bốc vác, công việc quá vất vả so với vóc dáng gày gò và sức khỏe của cậu. Đến với Vụn Art, Quảng không chỉ tìm thấy một công việc phù hợp mà còn là việc mà cậu cảm thấy đam mê, yêu thích. Dù không thể giao tiếp được, nhưng khi có khách quốc tế đến trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn, Quảng và các bạn trẻ vẫn có thể nhiệt tình hướng dẫn họ.
Ở Vụn Art, mỗi người một dạng khuyết tật. Trước đây đa số họ đều là nỗi lo lắng của người thân khi không thể tự mình kiếm sống. Thế rồi khi đến với Vụn Art, họ đều được bố trí công việc phù hợp với khả năng. Với những bạn khiếm thính, khiếm thị thì đỡ khó khăn hơn vì chỉ học vài ngày là làm được, nhưng với những bạn yếu tay thì phải nỗ lực, kiên trì rèn luyện cả năm trời mới làm được.
Ngoài các bạn trẻ từ 18 - 20 tuổi, lớn tuổi nhất là chị Hoàng Thị Hậu, người làng Đa Sỹ (Hà Đông). Chị bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn, từng bị trầm cảm nên việc thuyết phục được chị đi làm không hề đơn giản. Vừa làm chị Hậu vừa vui mừng khoe: “Chúng tôi đang có đơn hàng đặt 200 sản phẩm nên mọi người rất phấn khởi làm việc. Quan trọng là phải tạo cho người khuyết tật niềm tin về chính bản thân mình, dù làm được ít hay nhiều thì họ cũng phấn khởi vì họ luôn bị mặc cảm mình không làm được gì. Nhiều người chúng tôi đến tận nhà vận động và khi họ dám ra ngoài hòa nhập với cộng đồng với chúng tôi là đã thành công. Tôi rất phấn khởi, lấy lại được sự tự tin cho bản thân và giúp đỡ được nhiều bạn khuyết tật vào đây có việc làm. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ về đào tạo để tạo ra những sản phẩm ngày càng đẹp hơn, tinh tế hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường”.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, Anh Lê Việt Cường (sinh năm 1976) chia sẻ: “Cách tiếp cận của chúng tôi là phải thương mại hóa được sản phẩm, phải bán được trên thị trường để giải quyết việc làm cho người khuyết tật - đó là cách làm “từ thiện” bền vững nhất. Chúng tôi mong muốn được tham gia vào các hoạt động để quảng bá rộng hơn những sản phẩm do người khuyết tật sản xuất”.
Mới đây, tháng 12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và phát động sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”. Vụn Art là một trong ba đơn vị được mời chia sẻ về mô hình hoạt động của mình. Trước đó, dịp 8/3, quầy trưng bày sản phẩm của Vụn Art được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, động viên, ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống của người khuyết tật, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Lan toả thông điệp bảo vệ môi trường
Chia sẻ về lý do thành lập Vụn Art, anh Lê Việt Cường cho biết, từ nhỏ anh mắc bệnh bại liệt và đã trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật trong nhiều năm mới có thể tự bước trên đôi chân của mình, dù việc đi lại vẫn gặp khó khăn. Là một người khuyết tật nên hơn ai hết anh Cường thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi cũng như muôn vàn thách thức mà những người như anh gặp phải khi xin việc. Vì thế anh luôn nung nấu, nếu không tìm cho bản thân một công việc, những người có hoàn cảnh như anh rất dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, cho nên phải bằng mọi cách tìm được việc làm phù hợp cho mình và cả những người khuyết tật khác.
Vụn Art ra đời năm 2017 từ ý tưởng làm tranh ghép vải của Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông. Từ 35 bạn trẻ khuyết tật (câm điếc, khuyết tật vận động, trí tuệ thể nhẹ...) tham gia lớp học ban đầu, hiện có 14 bạn trụ lại và đang làm việc tại Vụn Art. Những bạn khuyết tật ở xa được HTX hỗ trợ thuê nhà, điện nước, ăn ở và nhận khoản trợ cấp từ 1 - 4 triệu đồng để có thể đảm bảo được đời sống ở mức tối thiểu nhất. Khi có việc làm, họ cũng có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan không còn là gánh nặng với gia đình, xã hội.
Khách quốc tế trải nghiệm tại Vụn Art. |
Để Vụn Art vận hành được, ngoài khoản tiền tài trợ từ các cá nhân, tổ chức khoảng 350 triệu đồng, anh Cường đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và khoản tiền khoảng 1,9 tỉ đồng trong suốt 2 năm qua mà chưa nhận về một đồng nào. Thế nhưng với ánh mắt lấp lánh đầy hy vọng, Cường hào hứng kể về những dự định mà anh ấp ủ để Vụn Art có thể phát triển trong thời gian tới: “Chúng tôi sẽ đầu tư chất xám để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cạnh tranh ngoài thị trường, thậm chí là xuất khẩu. Bên cạnh đó, hiện số trẻ em đến trải nghiệm làm tranh ghép từ vải vụn ngày càng tăng, bởi các em được rèn tính kiên nhẫn, biết bảo vệ môi trường qua việc sử dụng đồ tái chế, hiểu và cảm thông với những người kém may mắn trong xã hội.
Các sản phẩm sử dụng tranh ghép từ vải vụn cũng sẽ được đa dạng hóa, từ chiếc túi thổ cẩm, ba lô hay tấm bưu thiếp nhỏ xinh... các thợ thủ công khuyết tật có thể đưa ra thị trường những sản phẩm nghệ thuật, chất lượng. Hiện nay, trung tâm còn thiết kế túi vải có trang trí hình làm từ vải lụa vụn cho đại sứ quán Mỹ, hoặc bán tranh cho một số tập đoàn để tặng cho khách hàng...”. Anh Cường ước mong giúp 1% số người khuyết tật tại Hà Nội có việc làm ổn định, có thu nhập khoảng 3.000.000 đồng/tháng, đủ để họ tự trang trải cuộc sống mà không cần chờ các quỹ hỗ trợ.
Với những bước đi đầy tự tin của người thủ lĩnh kiên cường, cùng sự chung sức sáng tạo của nhiều trái tim nhân hậu, tài năng, sản phẩm đậm chất Việt Vụn Art sẽ không chỉ hấp dẫn khách hàng trong nước mà còn theo chân du khách quốc tế đến nhiều miền đất trên thế giới./.
0 nhận xét:
Post a Comment