Vẫn còn nhớ hồi còn được ăn Tết thường xuyên ở nhà, món ăn yêu thích nhất của tôi là lạp xưởng chiên hoặc nướng của mẹ. Trời ơi, món đó ngon quá trời đất, tôi thường ăn ba tô cơm liền với lạp xưởng. Nên ngày Tết thiếu gì thì thiếu nhưng món đó nhất định mẹ sẽ làm cho tôi.
Bây giờ khi đã trưởng thành, phải ra đời sống một cuộc sống riêng, phải chăm chút cho sự nghiệp, món lạp xưởng mẹ làm trong ngôi nhà thơ ấu chỉ còn trong ký ức.
Ca sĩ Thanh Duy |
Ngày Tết, đa số mọi người thường về quê, về với gia đình, dù đang lao động hay làm việc ở xa, vẫn sẽ ngồi gói bánh chưng cùng bố, hoặc làm mứt tết cùng mẹ, nhưng với tôi thì khác với số đông.
Có giao thừa tôi đang trên máy bay chợt thấy pháo hoa rợp trời, mới tự nhủ “À, năm mới rồi!”.
Có giao thừa vừa xong show diễn lên xe, trợ lý vỗ vai “Năm mới rồi đó Duy”.
Có giao thừa không pháo hoa, không bánh tét mà đang trên sàn diễn ở Mỹ, xa quê hương. Cảm giác lúc đó là một sự buồn mênh mang, mênh mang…
Nhưng cũng có những niềm vui mà số đông không thể có được, đó là tình cảm, kỷ niệm, trải nghiệm cùng khán giả, cùng các anh chị đồng nghiệp, là niềm vui công việc.
Đi diễn ngày Tết được khán giả tặng đồ như bánh tét, hoa quả, bánh kẹo và khán giả ở miền Tây thường rất hay tặng lì xì. Ban đầu rất ngại, sau anh chị lớn nói việc đó là tình cảm trân quý của khán giả, nhận thì khán giả mới vui và đó cũng là vì Tổ thương, nên nhận chính là cách đáp lại tình cảm đó. Và tôi đã rất vui khi được nhận lì xì.
Có nhiều điều, nhiều người xuất hiện trong cuộc sống của tôi vào ngày Tết, có những câu chuyện rấtđáng nhớ. Cách đây khoảng sáu, bảy năm trước diễn Tết ở Cần Thơ, tôi đang hát say sưa thì có một dì xêm xêm tuổi mẹ tôi, mặc bộ đồ bà ba, quần đen, áo tím hoa cà khoan thai đi lên từ lối đi cầu thang của ca sĩ. Tôivừa hát xong bài thì dì cũng vừa tới. Đưa phong bao lì xì, dì bảo: “Cho Thanh Duy uống cà phê”. Ánh mắt của dì đầy ấm áp, yêu thương, như một người mẹ vậy.
Sau hôm đó tôi nhắn cho mẹ “Mẹ lo nhiều cho con, con hiểu mẹ ạ, nhưng ở đây và ở đâu nữa thì con cũng được nhiều người thương mẹ à!”.
Có một số năm, để bớt cô đơn ngày Tết, tôi có đưa ba đi cùng, nhận show gần nhà tôi, để ba mẹ hiểu công việc của tôi và tôi cũng được đón Tết cùng ba, đón Tết gần nhà.
Đi diễn Tết có nhiều hình thức sân khấu khác nhau, các chương trình ca nhạc cho các công ty, hội nghị khách hàng, tri ân khách hàng... Ca sĩ chạy show, hát theo kịch bản chương trình, đơn giản chỉ là một ngày đi làm. Khán giả không đông, một trăm, hai trăm người nhưng thu nhập tốt. Có những show tôi hát cho khángiả bình dân hơn, thu nhập ít hơn nhưng cảm giác gần gũi, được thoải mái hát các bài mà mình thích. Tôi rất thích những show đó vì khi người ca sĩ thoải mái sẽ truyền năng lượng tích cực cho khán giả. Và tôi biết ơn khán giả nhiều lắm vì đã lắng nghe tôi.
Ngày Tết của các ca sĩ, nghệ sĩ, dù thiếu tình cảm gia đình nhưng có các tình cảm khác, những người cha chú trong nghề rất yêu quý tôi. Không tự nhiên mà bọn tôi gọi cô Ngọc Giàu là má Ngọc Giàu...
Chúng tôi nói với nhau, cuộc đời con người có hai gia đình, gia đình thứ nhất là người thân ruột thịt của mình, gia đình thứ hai do mình chọn. Tôi thực sự may mắn khi có cả hai gia đình như vậy, gia đình thứ hai của tôi đó chính là anh tài xế, bạn nhân viên, cô trợ lý, khán giả, những người đồng nghiệp… Họ đã ở bên tôi những ngày Tết đến xuân về, sum họp đón năm mới cùng tôi.
Đôi khi tôi tự hỏi làm nghệ sĩ là phải chấp nhận sự cô đơn không? Rồi tôi lại tự trả lời được. Tôi nghĩ là chúng tôi không cô đơn. Những show Tết là những trải nghiệm quý giá của đời nghệ sĩ. Tôi cùng với các nghệ sĩ khác đem lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả khắp mọi nơi. Tôi thấy cuộc sống thật ý nghĩa biết bao.
Thật sự biết ơn, vì những ngày Tết bận rộn, như bây giờ./.
0 nhận xét:
Post a Comment