Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” kể lại, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ Tổ, Vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà Vua) đến và truyền rằng: Vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà Vua nhất sẽ được nhường ngôi.
Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà Vua.
Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha.
Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý Vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu…
Từ đó bánh chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã phần nào bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn được gìn giữ.
Đó là một nét đẹp văn hóa vào mỗi dịp Tết đến xuân về, khi mọi người cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng cùng nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa, trong không khí đoàn tụ sum vầy, ấm áp.
Bánh chưng thể hiện hình tượng của vùng đất bao la, đức hạnh của Mẹ, sự hy sinh cao cả và hiền diệu của người phụ nữ mà tiêu biểu là Mẹ Âu Cơ.
Bánh chưng được gói thành từ nhiều lớp lá, cẩn thận, nhẹ nhàng bao bọc lấy lớp nhân bên trong một cách gọn gàng như lòng mẹ luôn bao bọc và chở che cho các con khỏi giông bão cuộc đời.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ em như món quà đầu năm.../.
0 nhận xét:
Post a Comment