Bằng nhiều nỗ lực, thời gian qua nhóm Đình làng Việt đang đưa áo dài ngũ thân dành cho nam giới trở lại với cuộc sống đương đại với những giá trị chuẩn mực. Nhóm mong muốn có thể thúc đẩy phong trào may và mặc áo dài Nam truyền thống trong những dịp lễ Tết, hội hè.
Vẹn nguyên vẻ đẹp áo dài nam truyền thống
Trải qua nhiều lần cách tân, thay đổi, chiếc áo dài truyền thống vẫn được xem là trang phục đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Bởi hiếm có một trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ như thế. Với nam giới, từ sau 1945 trở lại đây, chiếc áo dài truyền thống của đàn ông Việt cùng với sự biến động của lịch sử dường như ít được nhắc đến và ít thịnh hành như áo dài nữ. Lúc này, những kỉ vật cuối cùng của tà áo dài ngũ thân nam, khăn đóng chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tàng, trong văn học đương đại, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật hội họa và trong tiềm thức của những người cao niên.
Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho áo dài ngũ thân nam giới. Áo dài ngũ thân được coi là truyền thống bởi nhà Nguyễn kế nghiệp, có công hoàn thiện, trải dài vài ba trăm năm. Bởi vẫn được lưu giữ trong gia đình, bảo tàng nên việc tìm lại chuẩn mực của áo dài ngũ thân nam giới không khó. Chiếc áo dài nam truyền thống có những đặc điểm riêng như: khi mặc sẽ tạo vẻ khoan thai, tự tin, khiêm nhường, kín đáo và thoải mái. Các đặc điểm đó đều xuất phát từ kiểu dáng trang phục. Tà áo dài Việt ngắn hơn, tạo hình áo Việt có những đường nét rất cầu kỳ, dáng áo hình chữ A oai vệ, nam tính, vạt áo Việt rộng kín đáo, che khuất những nhược điểm của người đàn ông, khuy cài áo Việt sáng màu, cổ áo Việt cao, vuông… Khi mặc áo dài, người mặc cũng rất tinh tế, như: phải mặc áo trắng bên trong, nếu vải áo dài ngoài màu sắc rực rỡ thì phải mặc lớp sa hoặc the phủ ra ngoài, để làm dịu đi màu sắc hoa văn rực rỡ.
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan từng đồng hành cùng nhóm Đình Làng Việt thực hiện đoạn băng ghi hình quảng bá trang phục áo dài truyền thống của nam giới. Đại sứ cho rằng, việc mặc áo dài nam truyền thống giúp thay đổi ứng xử của chính người mặc và gợi lại truyền thống xưa: “Một trong những logo nhận diện của Việt Nam là tà áo dài. Tà áo dài của người phụ nữ đã trở thành thương hiệu rồi, phải chăng đến lúc nam giới mặc áo dài gợi lại một thời đã từng coi đó là biểu tượng của Việt Nam do sự xáo động mà bị mất đi?”
Nỗ lực giữ lại tinh hoa
CLB Áo dài nam truyền thống tập hợp những người yêu mến trang phục truyền thống, đặc biệt là áo dài nam được thành lập ngày 27/11/2017. CLB hoạt động với định hướng thúc đẩy phong trào may và mặc áo dài nam truyền thống trong những dịp lễ tết, hội hè, nâng cao tính ứng dụng trong đời sống đương đại, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho việc phổ biến bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của trang phục Việt đặc biệt là chiếc áo dài nam truyền thống.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong trang phục áo dài nam truyền thống. |
Tại lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội hưởng ứng sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vừa qua, CLB Áo dài nam truyền thống tổ chức trưng bày và các cuộc hội thảo để tiếp nối các hoạt động quảng bá đã được nhóm Đình làng Việt triển khai nhiều năm qua. Nhiều hoạt động được tổ chức như: giao lưu về áo dài nam, lịch sử, đặc điểm, bản sắc văn hóa của áo dài ngũ thân nam giới. CLB còn giới thiệu về cách may, mặc, những vấn đề bảo tồn và phát huy trang phục này.
Ông Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm Đình Làng Việt đưa ra giải pháp để chiếc áo dài nam vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa ứng dụng được trong đời sống ngày nay: “Phải nghĩ ra cách để khi mặc không bị nhìn cổ quá nhưng vẫn bám sát truyền thống. Ví dụ không đi guốc như xưa mà đi giầy đen bóng. Quần chỉnh đi nhỏ đi một chút, quần tây cũng được nhưng phải màu sáng. Hoa văn trang trí trên áo không quá sặc sỡ. Làm sao để áo dài nam phải đi vào đời sống trong những cuộc hội họp, giao lưu”.
Để thuyết phục được nhiều cá nhân và đoàn thể cùng mặc áo dài nam giới, các thành viên của CLB đã may và mặc, tìm hiểu những đặc điểm hay, những giá trị về tạo hình thuyết phục được mọi người. CLB đã nhiều lần tổ chức các hoạt động như tọa đàm, trình diễn, gặp gỡ trao đổi về áo dài, đi chơi, đi dự các sự kiện văn hóa, họ đều mặc áo dài. Dần dần thu hút được mọi người đồng hành may và mặc.
Trang phục dân tộc, hay lễ phục của các nước đều cầu kỳ trong cách may và mặc. Chính sự cầu kỳ ấy chứa đựng tinh hoa, thể hiện cách ứng xử cẩn trọng, sự chỉn chu của người mặc trước khi gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người, thể hiện phong thái và lịch sự trong quan hệ - đó chính là bản sắc văn hóa./.
0 nhận xét:
Post a Comment