Mỗi độ Tết đến, xuân về, trên vùng quê Kinh Bắc – Bắc Ninh lại ngập tràn sắc màu của lễ hội dân gian, cùng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm.
Hát quan họ trên thuyền |
Ai đã từng đến với vùng quê này vào những ngày xuân, sẽ cảm nhận rõ hơn sự đằm thắm, đậm đà của sắc xuân trên miền quan họ.
Men xuân của người quan họ
Thời gian của quan họ là suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng mùa xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Người xưa đã có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thời điểm này trên vùng quê Kinh Bắc, các làng vào đám (hội), nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Những “hội hè, đình đám” kéo dài trong suốt ba tháng xuân, từ làng này, qua làng khác:
"Mồng Bốn là hội Kéo Co
Mùng Năm hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng Sáu đi hội Bồ Ðề
Mùng Bảy trở về đi hội Ðống Cao."
Người quan họ hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình và trong các tư gia... Khi ấy, trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác.
Trong ngôn ngữ giao tiếp, người quan họ bao giờ cũng khiêm tốn, nhã nhặn và đề cao người đối thoại với mình. Dù các bạn quan họ ít tuổi hơn mình nhưng cả nam và nữ luôn miệng thưa gửi và xưng là “chúng em”. Cách nói năng theo đúng nguyên tắc “hô thì tôn, xưng thì khiêm”. Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục “ngủ bọn”.
Người quan họ thường có câu nói cửa miệng rằng “Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng hát câu ca”. Quan họ không chỉ để nghe, mà quan họ có tinh mới tường – tức là có chơi thì mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát đều cho thấy ý tứ của người hát, mỗi ánh mắt, nụ cười không chỉ là sự làm duyên mà còn ẩn ý bao điều muốn nói. Các liền anh ngồi một bên, liền chị ngồi một bên, qua lời hát và cử chỉ người ta hiểu được tấm lòng của nhau.
Bao đời nay, những câu hát ấy nhưng vẫn đủ sức mạnh để đắm say bao lớp người. “Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi”, “Đôi tay nâng lấy cơi trầu. Trước mời, quý khách mấy sau mời đôi bên em là, con gái thì Bắc Ninh”… Những lời ca mộc mạc, giản dị lại được thể hiện qua những liền anh, liền chị, vốn là những người nông dân, hồn hậu, chất phác… đã làm nên một chất men say diệu kỳ đối với người nghe.
Với người dân xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh, Tết đến, xuân về mà không được nghe một câu hát quan họ, không được xem một canh hát giao duyên thì quả thật mùa xuân chưa thực “chín”.
Tục kết bọn – kết chạ, nét văn hóa của người quan họ
Tục kết bạn quan họ là một trong năm mặt hoạt động quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa quan họ. Bởi vì, dù có tổ chức bọn quan họ, có cơ sở vật chất là nhà chứa nhưng nếu không kết bạn thì cũng không thể có sinh hoạt văn hóa quan họ. Ngày xưa, theo quy định, chỉ những bọn quan họ kết bạn với nhau thì mới chơi với nhau. Nếu hai bọn quan họ không kết bạn mà ca với nhau thì dù là ca các giọng quan họ vẫn chỉ được gọi là “hát ghẹo”. Do vậy, yêu cầu bắt buộc cho mỗi bọn quan họ là phải kết bạn với ít nhất một bọn quan họ khác. Yêu cầu này đã trở thành một tập tục quy định phổ biến chung trong văn hóa quan họ, không ngoại trừ trường hợp nào.
Cùng với tục kết bọn, người quan họ còn có tục kết chạ giữa các làng quan họ với nhau. Theo dân gian, phong tục kết chạ có từ rất lâu đời ở vùng đất Kinh Bắc này, mà nguồn cội xa xưa nhất được bắt đầu từ thời người dân nơi đây còn thưa thớt, sống heo hút hoang vắng giữa bao la núi rừng và thú dữ. Vì thế, dân hai làng cận kề nhau xích lại gần nhau, kết nghĩa anh em để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, chống lại thiên tai địch họa, thú dữ và chia vui sẻ buồn trong cuộc sống.
Còn theo giới nghiên cứu, kết chạ là hình thức kết giao tình nghĩa của vài làng cùng thờ một vị Thành hoàng, hoặc cùng làm một nghề nên cùng thờ vị Nghệ tổ đã sáng lập ra cái nghề ấy. Thành hoàng là vị Thần cai quản, che chở và định đoạt phúc họa cho cộng đồng người trong một hoặc vài làng. Nghệ tổ là vị truyền dạy cho người ta cái nghề để mưu sinh. Dân làng đối với Thành hoàng cũng như Tổ Nghệ chẳng khác gì con cháu với tổ tông của mình. Cho nên, ý nghĩa của việc kết chạ thực chất là sự kết giao, nghĩa là đôi bên có mối quan hệ gắn bó, xem nhau như họ hàng, ruột thịt…
Đầu xuân, cũng là ngày hội của làng. Những ngày hội ấy bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì có cả làng anh, làng em sang chung vui. Các làng kết bọn, kết chạ sẽ mời nhau về để cùng tổ chức một canh hát tại nhà chứa gọi là canh hát. Việc đón tiếp bạn quan họ của làng luôn chu đáo và long trọng. Có câu rằng “Tiếp bạn quan họ thì thịt gà, giỗ cha thì thịt ếch”. Mâm cơm quan họ bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn”, “cỗ mặn bưng vào, cỗ chay bưng ra”…
Giữa những ngày xuân, được ăn một khẩu trầu, nghe một câu hát của người quan họ là thấy say đắm, chẳng muốn về, lòng bần thần tự hỏi “Mà sao người quan họ cứ giấu nụ cười thầm, trong vành nón ba tầm và trong tà áo tứ thân đi hội mùa xuân”.
0 nhận xét:
Post a Comment